Sắc thần và câu đối chữ Hán tại đình xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú, tỉnh An Giang
Nguyễn Công Lý
Tóm tắt
Bài viết giới thiệu sắc phong của triều đình nhà Nguyễn ban cho đình xã Vĩnh Lộc huyện An Phú và giới thiệu các câu đối tại ngôi đình này, mà trong một dịp thực tế điền dã, chúng tôi đã tìm hiểu và ghi chép lại.
Từ khóa: Sắc phong; Câu đối; Xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú.
⁂
1.Vài nét về xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú, tỉnh An Giang
Mười ba năm trước, tức năm 2005, chúng tôi có dịp đưa mấy nhóm sinh viên Khoa Ngữ văn và Báo chí (nay là Khoa Văn học), Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG TP.HCM đi thực tập thực tế tại một số xã thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang, nhờ thế, chúng tôi mới có dịp đến xã Vĩnh Lộc tham quan đình, ghi chép lại một số tư liệu Hán Nôm hiện còn, gồm sắc phong và các câu đối. Cách đình Vĩnh Lộc không xa, còn có một ngôi chùa cổ xây dựng từ cuối thế kỷ XIX, nay đã được trùng tu nên dấu tích xưa hiện không còn. Nhà chùa còn lưu giữ ba mộc bản chữ Hán. Ba mộc bản này gắn với lễ nghi tôn giáo, có giá trị nghi lễ chứ không có giá trị văn học bởi khi dập bản in, chúng mới biết nội dung ba mộc bản này là phái điệp (tức mẫu tờ phái quy y cấp cho Phật tử khi thọ ngũ giới; theo nội dung mộc bản, chúng tôi biết phái điệp này thuộc truyền thừa dòng Thiền Lâm Tế phái Liễu Quán); hai bản còn lại là mẫu hai tờ sớ cúng cầu an và cúng cầu siêu.
Về lịch sử và vị trí địa lý, Vĩnh Lộc là một xã thuần nông thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang, đồng bằng sông Cửu Long.
Năm 1757, vua Chân Lạp là Nặc Tôn dâng đất Tầm Phong Long (khu vực nằm giữ sông Tiền và sông Hậu) cho chúa Nguyễn. Trong vùng Tầm Phong Long, đất An Phú là khu vực gần nhất, hướng về trung tâm lãnh thổ Chân Lạp (Thủy Chân Lạp nay thuộc miền Tây Nam bộ, còn Lục Chân Lạp là Campuchia hiện nay).
Về địa thế, có thể chia huyện An Phú làm ba khu vực: sông Hậu, sông Bình Di và sông Châu Đốc chảy song song tạo nên cù lao An Phú ở giữa. Hai bên là các xã bờ Tây sông Châu Đốc và bờ Đông sông Hậu. Ngoài ra còn có cù lao Vĩnh Trường (xưa gọi là cù lao Ba, tức chỉ ba cù lao) ở phía Nam. Huyện An Phú là vùng đồng bằng trũng, có nơi thường xuyên bị ngập úng. Đất đai chủ yếu là đất phù sa. Hàng năm, An Phú chịu ảnh hưởng của mùa lũ (mùa nước nổi). Khoảng từ tháng bảy âm lịch, mực nước sông Mê-kông dâng cao, mưa nhiều kết hợp với lượng nước tích tụ tại Biển Hồ ở Campuchia tràn xuống hạ lưu làm cho nhiều nơi ở An Phú bị chìm trong biển nước, độ ngập trung bình khoảng hai đến ba mét. Thời gian ngập lụt kéo dài khá lâu, thường là khoảng từ bốn đến năm tháng nên có ảnh hưởng rất lớn đến tập quán sinh hoạt, sản xuất của người dân. Hồ nước ngọt Búng Bình Thiên ở An Phú được đánh giá là hồ nước ngọt tự nhiên rộng nhất miền Tây và có giá trị du lịch nhờ cảnh quan đẹp.
Năm 1823, khi đào kênh Vĩnh Tế, Thoại Ngọc Hầu đã lập các xã Vĩnh Lộc, Vĩnh Hậu, Vĩnh Trường, Vĩnh Hội Đông. Năm 1824, ông Nguyễn Văn Luật đứng đầu nhóm thợ săn khai phá làng Vĩnh Hội kế bên làng Vĩnh Ngươn. Năm 1825, Thoại Ngọc Hầu cho đắp con đường từ Châu Đốc lên Lò Gò - Sóc Vinh nối các làng với nhau rất tiện lợi trong việc đi lại cho nhân dân.
Theo địa bạ An Giang được xác lập ngày mùng 3 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), thì thôn Vĩnh Lộc thuộc tổng An Lương, huyện Đông Xuyên, phủ Tuy Biên.
Năm 1984, một phần ấp 1 của Vĩnh Lộc (lúc này thuộc huyện Phú Châu) được sáp nhập vào xã Phú Hữu cùng huyện thành ấp Phú Thạnh, ấp 1 của Vĩnh Lộc sau năm 2010 đổi thành ấp Vĩnh Thạnh. Ngày 13 tháng 11 năm 1991 huyện Phú Châu chia lại thành hai huyện: huyện An Phú và huyện Tân Châu, xã Vĩnh Lộc thuộc huyện An Phú. Năm 2009, một phần xã Phú Lộc, huyện Tân Châu gồm 513 ha diện tích tự nhiên và 1.415 nhân khẩu, được lập thành ấp Vĩnh Phát, rồi sáp nhập vào xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú. Từ đây, xã Vĩnh Lộc lúc này có 4.116 ha diện tích tự nhiên và 13.688 nhân khẩu (số liệu năm 2005 do Ủy ban Nhân dân xã cho biết).
Theo các cụ bô lão tại địa phương thì ngôi đình xã Vĩnh Lộc bên cạnh thờ Thành hoàng khai khẩn vùng đất này, thì đình còn thờ vị anh hùng Nguyễn Trung Trực, người lãnh đạo nhân dân Nam kỳ chống thực dân Pháp xâm lược trong giai đoạn đầu hồi nửa cuối thế kỷ XIX.
2. Sắc phong của triều đình nhà Nguyễn ban cho đình xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú, tỉnh An Giang
Hiện đình còn giữ một sắc phong của triều đình nhà Nguyễn triều vua Tự Đức tứ ban cho dân xã. Nguyên văn tờ sắc phong như sau:
敕本境城隍之神原贈廣厚正直佑善之神護國民稔著靈應肆今丕膺耿命緬念神庥可加贈廣厚正直佑善敦凝之神仍準東川縣永祿村依舊奉事神其相佑保我黎民欽哉!
嗣德五年拾壹月貳拾玖日
Sắc: Bản cảnh Thành hoàng chi thần, nguyên tặng Quảng hậu Chính trực Hựu thiện chi thần, hộ quốc tý dân, nẫm trứ linh ứng. Tứ kim phi ưng cảnh mệnh, miến niệm thần hưu, khả gia tặng Quảng hậu Chính trực Hựu thiện Đôn ngưng chi thần. Nhưng chuẩn Đông Xuyên huyện, Vĩnh Lộc thôn y cựu phụng sự. Thần kỳ tướng hựu, bảo ngã lê dân.
Khâm tai!
Tự Đức ngũ niên, thập nhất nguyệt, nhị thập cửu nhật.
Dịch nghĩa:
Sắc cho: Thần Bản cảnh Thành hoàng, vốn được ban tặng là Thần Quảng hậu Chính trực Hựu thiện, bảo vệ nước che chở dân, linh ứng đã lâu. Nay Trẫm gánh vác mệnh lớn, nhớ nghĩ ơn thần, nên đáng gia tặng là Thần Quảng hậu Chính trực Hựu thiện Đôn ngưng. Vẫn chuẩn cho thôn Vĩnh Lộc, huyện Đông Xuyên phụng thờ như trước. Thần hãy giúp đỡ che chở con dân của trẫm.
Kính thay!
Tự Đức năm thứ 5 (1852), tháng 11, ngày 29.
3. Câu đối tại đình xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú, tỉnh An Giang
3.1. Ngoài tiền sảnh (võ ca) có 6 hàng cột. Hàng 1 ngay cửa vào có 3 câu đối; các hàng còn lại, từ hàng 2 đến hàng 6, mỗi hàng có 2 câu đối viết khắc trên cột.
Hàng 1:
Nguy nguy hoàng các quần công biểu;
Tụ tụ thương sinh vạn hộ xuân.
巍 巍 黃 閣 群 公 表;
聚 聚 蒼 生 萬 戶 春.
(Rờ rỡ gác vàng biểu dương các vị;
Sum họp trăm họ muôn nhà vui xuân.)
Vĩnh dương hương lý danh nghi tụng;
Lộc bá lê nguyên đức khả ca.
永 揚 鄉 里 名 宜 頌;
祿 播 黎 元 德 可 歌.
(Thôn xóm còn truyền tụng danh đáng nêu;
Lộc ban cho muôn dân đức ngợi ca.)
Nhật nguyệt thăng hằng ca thánh đức;
Càn khôn quảng đại tụng thần công.
日 月 升 恆 歌 聖 德;
乾 坤 廣 大 頌 神 功.
(Nhật nguyệt xoay vần ngợi ca đức thánh;
Đất trời rộng mở xưng tụng công thần.)
Hàng 2:
Nhân nhượng nghi tiền Tây Bá[1] nhật;
Cựu ca canh cổ Phóng Huân[2] phong.
仁 讓 嶷 前 西 佰 日;
舊 歌 賡 古 放 勳 風.
(Lấy lòng nhân mà nhún nhường, như noi theo thời Tây Bá đời trước;
Xưa còn ca tụng việc noi theo phong thái của Phóng Huân đời cổ.)
Hạo khí quán thành tồn kỷ niệm;
Tinh trung hiển đạt phổ từ ân.
浩 氣 貫 成 存 紀 念;
精 忠 顯 達 普 慈 恩.
(Chí khí chính đại bao trùm còn ghi tạc;
Lòng trung son sắt thông đạt khắp từ ân.)
Hàng 3:
Băng sương tiết tháo hà lăng tráng;
Thiết thạch can trường bất động di.
冰 霜 節 慥 何 稜 壯;
鐵 石 肝 腸 不 動 移.
(Tiết tháo như băng tuyết uy nghiêm hùng tráng;
Gan dạ như sắt đá chẳng thể đổi dời.)
Bảo chướng nhất phương biên cảnh túc;
Lập công bách thế quốc gia tư.
堡 障 一 方 邊 境 肅;
立 功 百 世 國 家 資.
(Trấn giữ một phương biên cảnh thanh bình;
Lập công muôn đời nước nhà sung túc.)
Hàng 4:
Thân siêu cửu bệ trung tâm tráng;
Uy túc tam quân hiệu lệnh hùng.
身 超 九 陛 忠 心 壯;
威 肅 三 軍 號 令 雄.
(Thân vượt nơi cửu bệ lòng trung sắt son;
Uy nghiêm khắp ba quân hiệu lệnh oai hùng.)
Thiên cổ công danh quang sử bút;
Nhất sinh trung nghĩa xuất thiên tư.
千 古 功 名 光 史 筆;
一 生 忠 義 出 天 資.
(Ngàn năm công danh rạng sử xanh;
Một đời trung nghĩa tót trời ban.)
Hàng 5:
Sinh dã trung can hà uý tử;
Tử tồn nghĩa khí thị như sinh.
生 也 忠 肝 何 畏 死;
死 存 義 氣 是 如生.
(Sống đó lòng trung nào sợ chết;
Thác mà nghĩa khí vẫn như còn.)
Cách trừ quan tệ như thần kiến;
Tuân sát dân tình tự kính minh.
革 除 官 弊 如 神 見,
詢 察 民 情 似 鏡 明.
(Cách trừ quan tham như thần xét;
Sâu sát dân tình tựa gương soi.)
Hàng 6:
Tiếp lý âm dương[3] tư thịnh đức;
Di luân[4] thiên địa hữu kỳ công.
燮 理 陰 陽 資 盛 德;
彌 綸 天 地 有 奇 功.
(Điều hòa âm dương nhờ đức lớn;
Nhiếp thống đất trời bởi kỳ công.)
Xã tắc sơn hà tư bảo chướng;
Âm dương tạo hoá tạ di luân.
社 稷 山 河 資 堡 障;
陰 陽 造 化 藉 彌 綸.
(Xã tắc sơn hà nhờ trấn giữ;
Âm dương tạo hóa được điều hòa.)
3.2. Phía trong đình có 3 hàng cột; hàng 1 và hàng 2 có 4 cột, mỗi hàng có 2 câu đối, hàng 3 có 2 cột chỉ có một câu đối.
Hàng 1:
Tứ hải phong điền Ngu Nhuế địa;
Ngũ hồ ba thuận Thuấn Nghiêu thiên.
四 海 風 田 虞 芮 地;
五 湖 波 順 舜 堯 天.
(Bốn bể gió lành đất Ngu, Nhuế[5];
Năm hồ sóng lặng trời Thuấn, Nghiêu.)
Nguy nguy thánh đức càn khôn đại;
Vĩnh vĩnh hoàng đồ nhật nguyệt trường.
嵬 嵬 聖 德 乾 坤 大;
永 永 皇 圖 日 月 長.
(Đức thánh rỡ ràng trời đất lớn;
Mưu lớn mãi mãi tháng ngày dài.)
Hàng 2:
Bách tuế hân thanh duy đức thị phụ;
Thiên thu hỉ khí y nhân nhi hành.
百 歲 欣 聲 維 德 是 輔;
千 秋 喜 氣 依 人 而 行.
(Mừng nghe trăm năm chỉ có đức là trọng;
Vui khí ngàn thu cứ theo người mà làm.)
Mục mục thần ân nhị tự tất phân thù cảnh phúc;
Nguy nguy thánh địa nhất thành kiền tiến báo hà linh.
穆 穆 神 恩 二 祀 苾 芬 酬 景 福;
嵬 嵬 聖 德 一 誠 虔 荐 報 遐 齡.
(Vời vợi ơn thần, hai kỳ tế tự, hương thơm tỏa ngát đền phúc cả;
Rờ rỡ đức thánh, một tấc lòng thành, dâng lên lễ mọn báo gần xa.)
Hàng 3:
- Chí thành tắc động lưỡng gian vĩ tích dương dương thượng;
Thể vật vô di chung cổ huyền cơ tổng tổng trung.
至 誠 則 動[6]兩 間 偉 績 洋 洋 妴;
體 物 無 遺[7]終 古 玄 机 總 總 中.
(Chí thành thì cảm động, hai triều công tích lớn lao, vòi vọi uy nghi;
Thể hiện mà chẳng sót, muôn đời tạo hóa huyền diệu, rờ rỡ ngôi trên.)
3.3. Bàn thờ Thần ở chính giữa đình, chữ Thần (神) viết đại tự, hai bên là câu đối:
- Mục mục chi trung nhân ái càn khôn triêm thánh đức;
Dương dương tại thượng thọ tế nhật nguyệt vĩnh hoàng đồ.
穆 穆 之 中 仁 愛 乾 坤 沾 聖 德;
洋 洋 在 上 壽 濟 日 月 永 皇 圖.
(Vời vợi lòng nhân ái, như đức thánh thấm khắp đất trời;
Vòi vọi ơn bề trên, thọ sánh với nhật nguyệt vững cơ đồ.)
Bên trái là bàn thờ Tả Ban (左班), chữ Tả Ban 左班 viết đại tự, hai bên có câu đối:
- Thiên cổ công danh quang sử bút;
Nhất sinh trung nghĩa xuất thiên tư.
千 古 功 名 光 史 筆;
一 生 忠 義 出 天 資.
(Ngàn năm công danh rạng sử xanh;
Một đời trung nghĩa tót trời ban.)
Phía bên trái, cạnh bàn thờ Tả Ban (左班) là bàn thờ Tiền Hiền (前賢); chính giữa ở hàng trên có hai chữ Cung thỉnh 恭請, phía dưới ở giữa có hai chữ Tiền Hiền 前賢 viết đại tự; hai bên có câu đối:
- Khai quật nhân cơ tiền triết trạch;
Hoá thành nghĩa tục hậu dân triêm.
開 掘 仁 基 前 哲[8]澤;
化 成 義 俗 後 民 沾.
(Mở mang nền nhân, ấy là nhờ ơn trạch của các bậc hiền triết đời trước;
Hóa thành nghĩa tục, để đời sau muôn dân được thấm khắp ân điển.)
Bên hông phía trái có bàn thờ Bạch Mã (白馬); chính giữa ở hàng trên có hai chữ Cung thỉnh 恭請, phía dưới ở giữa có hai chữ Bạch Mã 白馬 viết đại tự, ở dưới nữa có hai chữ Thái ích 太益, hai bên có câu đối:
- Tự cổ truyền lai chân bạch mã;
Nhi kim truy tế chính ô trư.
自 古 傳 來 真 白 馬;
而 今 追 祭 正 烏 豬.
(Từ xưa còn truyền lại, đúng là con ngựa trắng;
Mà nay được cứu giúp, chính là con heo đen.)
Bên phải là bàn thờ Hữu Ban (右班), chữ Hữu Ban 右班 viết đại tự ở chính giữa, hai bên có câu đối:
- Hạo khí quán thành tồn kỷ niệm;
Tinh trung hiển đạt phổ từ ân.
浩 氣 貫 成 存 紀 念;
精 忠 顯 達 普 慈 恩.
(Chí khí chính đại bao trùm còn ghi tạc;
Lòng trung son sắt thông đạt khắp từ ân.)
Phía bên phải, cạnh bàn thờ Hữu Ban (右班) là bàn thờ Hậu Hiền (後賢), chữ Hậu Hiền 後賢 viết đại tự ở chính giữa, hai bên có câu đối:
- Vạn cổ bố tuệ tiên giác hậu;
Thiên thu trạch cửu cổ nhi kim.
萬 古 佈 慧 先 覺 後;
千 秋 澤 久 古 而 今.
(Muôn xưa ban bố sáng rõ trước sau biết đến;
Ngàn thu lợi ích lâu dài xưa cũng như nay.)
4. Lời kết
Như vừa trình bày, có thể thấy tuy miền Tây Nam bộ là vùng đất mới khai phá bởi công lao của các Chúa Nguyễn ở Đàng Trong, nhưng trong quá trình Nam tiến di dân mở cõi lập ấp, cha ông ta từ Ngũ Quảng (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức [Thừa Thiên], Quảng Nam, Quảng Ngãi) di dân vào đây lập nghiệp, và trong quá trình thiên di đó, các bậc tiền nhân đã mang theo văn hóa truyền thống của địa phương Trung kỳ để bảo tồn và truyền phát nơi vùng đất mới. Những ngôi đình ở Nam bộ nói chung, ngôi đình xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú nói chung là chứng tích văn hóa vừa nêu. Những câu đối tại đình chủ yếu là ca ngợi thế đất, phong cảnh địa phương; đặc biệt thể hiện ước mơ cuộc sống yên bình ấm no và ca ngợi công đức anh linh các bậc tiền hiền đã có công khai phá vùng đất này.
Đình Vĩnh Lộc đã được công nhận là di tích văn hóa cấp tỉnh từ những năm đầu 1990. Khuôn viên đình nằm bên bờ sông, cạnh dòng chảy xiết, có nguy cơ bị sạt lở bởi những mùa lũ về, dù dân làng từ lâu đã có ý thức làm bờ kè kiên cố chống giữ đất vườn đình. Hồi ấy, nhân chuyến thực tế, khi làm việc với ban ngành của tỉnh An Giang, chúng tôi đã có kiến nghị với Sở Văn hóa - Thông tin và Trung tâm Quản lý Di tích - Danh lam thắng cảnh của tỉnh về vấn đề bảo tồn các di tích văn hóa trong đó có ngôi đình này.
Phụ lục: Bản đồ hành chính huyện An Phú, trong đó có xã Vĩnh Lộc
Nguồn: Wikipedia Vietnam.
[1] Tây Bá 西伯: Tên đầy đủ là Tây Bá Cơ Xương [西伯 姬昌] (1090 Tr.CN - 1050 Tr.CN), tức Chu Văn Vương, ông chính là người đã xây nền móng cho triều đại nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc.
[2] Phóng Huân 放勳: Tên vua Nghiêu. Thư - Nghiêu điển: “曰若稽古, 帝堯曰放勳” (Viết nhược kê cổ, Đế Nghiêu viết Phóng Huân: Xét về đời xưa, Đế Nghiêu là Phóng Huân vậy. (Chính vì khi còn sống, Vua Nghiêu là người cung kính, thông minh, văn nhã, có nhiều công lao to lớn (huân), cho nên mới gọi ông là Phóng Huân. (Theo bản chú thích của Lục Đức Minh.). Sử ký - Ngũ đế bản kỷ: Đế Nghiêu giả, Phóng Huân.
[3] Tiếp lý âm dương 燮 理 陰 陽: Chữ dùng trong Kinh thư, nghĩa là điều hòa cai trị, trí lý hòa hợp. Thường dùng để chỉ vai trò nhiệm vụ của bậc đại thần, tể tướng. Thư - Chu quan: “立太師, 太傅, 太保, 兹惟三公, 論道經邦, 燮理陰 陽。 ” (Lập Thái sư, Thái phó, Thái bảo, tư duy Tam công, luận đạo kinh bang, tiếp lý âm dương: Lập Thái sư, Thái phó, Thái bảo gọi là Tam công [để] bàn bạc đạo lý cai trị đất nước, điều hòa âm dương.)
[4] Di luân 彌綸: Chữ trong Kinh Dịch, nghĩa là “nhiếp thống”, “bao quát”, “trị lý”, “quán thông”, “sửa sang”. Dịch - Hệ từ thượng: 易與天地准, 故能彌綸天地之道。(Dịch dữ thiên địa chuẩn, cố năng di luân thiên địa chi đạo: Kinh Dịch [vì có đủ cái đạo của trời đất, cho nên] cùng làm chuẩn đích với trời đất; do đó mà chỉnh đốn, sửa sang được đạo của trời đất).
[5] Ngu, Nhuế: Tên hai nước đầu đời Chu, đất Ngu nay thuộc huyện Bình Lục, tỉnh Sơn Tây (TQ), đất Nhuế nay thuộc huyện Đại Hiệp, tỉnh Thiểm Tây (TQ). Tương truyền người ở hai nước này vì có việc tranh giành mà gây nên kiện tụng, họ phải đến nhà Chu cầu xin Tây Bá Cơ Xương xử trí mới thôi việc kiện tụng. Nay còn truyền lại điển tích “Ngu Nhuế chi tụng” (虞芮之訟 ) Cho nên câu trên ý chỉ bốn bể đã thanh bình như [hai nước] Ngu và Nhuế đời xưa, không còn cảnh tranh giành, kiện tụng nữa.
[6] Chí thành tắc động: Chữ dùng trong sách Trung dung. “誠則形, 形則著, 著則明, 明則動, 動則變, 變則化. 唯天下至誠為能化。”(Thành tắc hình, hình tắc trứ, trứ tắc minh, minh tắc động, động tắc biến, biến tắc hóa. Duy thiên hạ chí thành vi năng hóa. “Thành” thì sẽ biểu hiện ra bên ngoài, biểu hiện ra bên ngoài thì sẽ rõ, rõ thì sẽ sáng, sáng thì sẽ động, động thì sẽ biến, biến thì sẽ hóa. Chỉ có đạt tới chí thành trong thiên hạ thì mới có thể có công hóa dục. Trung dung, chương 23.)
[7] Thể vật vô di: Chữ dùng trong sách Trung dung, nghĩa là “những thể hiện ra ở mọi vật thì chẳng thể sót thứ gì”. Trung dung (chương 16):“子曰鬼神之為德,其盛矣乎!視之而弗見,聽之而弗聞, 體物而不可遺” (Tử viết: Quỷ thần chi vi đức, kỳ thịnh hỹ hồ! Thị chi nhi phất kiến, thính chi nhi phất văn, thể vật nhi bất khả di. Công đức của quỷ thần, thật to lớn xiết bao! Dẫu là nhìn cũng không thấy, lắng cũng không nghe, nhưng thể hiện ra ở mọi vật thì chẳng thể sót thứ gì.)
[8] Tiền triết: Chữ dùng trong sách Tả truyện, cũng viết là “前喆”, chỉ các bậc hiền triết đời trước. Tả truyện - Thành Công bát niên: “夫豈無辟王,賴前哲以免力”.
PGS.TS. Nguyễn Công Lý
An Giang - Sài Gòn, tháng 4/2005 – tháng 4/2018.
Nguồn: Viện Nghiên cứu Hán Nôm: Nghiên cứu Hán Nôm năm 2018. NXB Thế giới. Hà Nội. 2018. Trang 700-710.
https://sites.google.com/site/namkyluctinhorg/tac-gia-tac-pham/n/nguyen-cong-ly/sac-than-va-cau-doi-chu-han-tai-dinh-xa-vinh-loc-huyen-an-phu-tinh-an-giang
Sắc thần và câu đối chữ Hán tại đình xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú, tỉnh An Giang
__Nguyễn Công Lý__
___Tóm tắt___
Bài viết giới thiệu sắc phong của triều đình nhà Nguyễn ban cho đình xã Vĩnh Lộc huyện An Phú và giới thiệu các câu đối tại ngôi đình này, mà trong một dịp thực tế điền dã, chúng tôi đã tìm hiểu và ghi chép lại.
Từ khóa: Sắc phong; Câu đối; Xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú.
⁂
---
__1.Vài nét về xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú, tỉnh An Giang__
Mười ba năm trước, tức năm 2005, chúng tôi có dịp đưa mấy nhóm sinh viên Khoa Ngữ văn và Báo chí (nay là Khoa Văn học), Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG TP.HCM đi thực tập thực tế tại một số xã thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang, nhờ thế, chúng tôi mới có dịp đến xã Vĩnh Lộc tham quan đình, ghi chép lại một số tư liệu Hán Nôm hiện còn, gồm sắc phong và các câu đối. Cách đình Vĩnh Lộc không xa, còn có một ngôi chùa cổ xây dựng từ cuối thế kỷ XIX, nay đã được trùng tu nên dấu tích xưa hiện không còn. Nhà chùa còn lưu giữ ba mộc bản chữ Hán. Ba mộc bản này gắn với lễ nghi tôn giáo, có giá trị nghi lễ chứ không có giá trị văn học bởi khi dập bản in, chúng mới biết nội dung ba mộc bản này là phái điệp (tức mẫu tờ phái quy y cấp cho Phật tử khi thọ ngũ giới; theo nội dung mộc bản, chúng tôi biết phái điệp này thuộc truyền thừa dòng Thiền Lâm Tế phái Liễu Quán); hai bản còn lại là mẫu hai tờ sớ cúng cầu an và cúng cầu siêu.
Về lịch sử và vị trí địa lý, Vĩnh Lộc là một xã thuần nông thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang, đồng bằng sông Cửu Long.
Năm 1757, vua Chân Lạp là Nặc Tôn dâng đất Tầm Phong Long (khu vực nằm giữ sông Tiền và sông Hậu) cho chúa Nguyễn. Trong vùng Tầm Phong Long, đất An Phú là khu vực gần nhất, hướng về trung tâm lãnh thổ Chân Lạp (Thủy Chân Lạp nay thuộc miền Tây Nam bộ, còn Lục Chân Lạp là Campuchia hiện nay).
Về địa thế, có thể chia huyện An Phú làm ba khu vực: sông Hậu, sông Bình Di và sông Châu Đốc chảy song song tạo nên cù lao An Phú ở giữa. Hai bên là các xã bờ Tây sông Châu Đốc và bờ Đông sông Hậu. Ngoài ra còn có cù lao Vĩnh Trường (xưa gọi là cù lao Ba, tức chỉ ba cù lao) ở phía Nam. Huyện An Phú là vùng đồng bằng trũng, có nơi thường xuyên bị ngập úng. Đất đai chủ yếu là đất phù sa. Hàng năm, An Phú chịu ảnh hưởng của mùa lũ (mùa nước nổi). Khoảng từ tháng bảy âm lịch, mực nước sông Mê-kông dâng cao, mưa nhiều kết hợp với lượng nước tích tụ tại Biển Hồ ở Campuchia tràn xuống hạ lưu làm cho nhiều nơi ở An Phú bị chìm trong biển nước, độ ngập trung bình khoảng hai đến ba mét. Thời gian ngập lụt kéo dài khá lâu, thường là khoảng từ bốn đến năm tháng nên có ảnh hưởng rất lớn đến tập quán sinh hoạt, sản xuất của người dân. Hồ nước ngọt Búng Bình Thiên ở An Phú được đánh giá là hồ nước ngọt tự nhiên rộng nhất miền Tây và có giá trị du lịch nhờ cảnh quan đẹp.
Năm 1823, khi đào kênh Vĩnh Tế, Thoại Ngọc Hầu đã lập các xã Vĩnh Lộc, Vĩnh Hậu, Vĩnh Trường, Vĩnh Hội Đông. Năm 1824, ông Nguyễn Văn Luật đứng đầu nhóm thợ săn khai phá làng Vĩnh Hội kế bên làng Vĩnh Ngươn. Năm 1825, Thoại Ngọc Hầu cho đắp con đường từ Châu Đốc lên Lò Gò - Sóc Vinh nối các làng với nhau rất tiện lợi trong việc đi lại cho nhân dân.
Theo địa bạ An Giang được xác lập ngày mùng 3 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), thì thôn Vĩnh Lộc thuộc tổng An Lương, huyện Đông Xuyên, phủ Tuy Biên.
Năm 1984, một phần ấp 1 của Vĩnh Lộc (lúc này thuộc huyện Phú Châu) được sáp nhập vào xã Phú Hữu cùng huyện thành ấp Phú Thạnh, ấp 1 của Vĩnh Lộc sau năm 2010 đổi thành ấp Vĩnh Thạnh. Ngày 13 tháng 11 năm 1991 huyện Phú Châu chia lại thành hai huyện: huyện An Phú và huyện Tân Châu, xã Vĩnh Lộc thuộc huyện An Phú. Năm 2009, một phần xã Phú Lộc, huyện Tân Châu gồm 513 ha diện tích tự nhiên và 1.415 nhân khẩu, được lập thành ấp Vĩnh Phát, rồi sáp nhập vào xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú. Từ đây, xã Vĩnh Lộc lúc này có 4.116 ha diện tích tự nhiên và 13.688 nhân khẩu (số liệu năm 2005 do Ủy ban Nhân dân xã cho biết).
Theo các cụ bô lão tại địa phương thì ngôi đình xã Vĩnh Lộc bên cạnh thờ Thành hoàng khai khẩn vùng đất này, thì đình còn thờ vị anh hùng Nguyễn Trung Trực, người lãnh đạo nhân dân Nam kỳ chống thực dân Pháp xâm lược trong giai đoạn đầu hồi nửa cuối thế kỷ XIX.
__2. Sắc phong của triều đình nhà Nguyễn ban cho đình xã Vĩnh Lộc, huyện An __Phú, tỉnh An Giang
Hiện đình còn giữ một sắc phong của triều đình nhà Nguyễn triều vua Tự Đức tứ ban cho dân xã. Nguyên văn tờ sắc phong như sau:
敕本境城隍之神原贈廣厚正直佑善之神護國民稔著靈應肆今丕膺耿命緬念神庥可加贈廣厚正直佑善敦凝之神仍準東川縣永祿村依舊奉事神其相佑保我黎民欽哉!
嗣德五年拾壹月貳拾玖日
Sắc: Bản cảnh Thành hoàng chi thần, nguyên tặng Quảng hậu Chính trực Hựu thiện chi thần, hộ quốc tý dân, nẫm trứ linh ứng. Tứ kim phi ưng cảnh mệnh, miến niệm thần hưu, khả gia tặng Quảng hậu Chính trực Hựu thiện Đôn ngưng chi thần. Nhưng chuẩn Đông Xuyên huyện, Vĩnh Lộc thôn y cựu phụng sự. Thần kỳ tướng hựu, bảo ngã lê dân.
Khâm tai!
Tự Đức ngũ niên, thập nhất nguyệt, nhị thập cửu nhật.
Dịch nghĩa:
Sắc cho: Thần Bản cảnh Thành hoàng, vốn được ban tặng là Thần Quảng hậu Chính trực Hựu thiện, bảo vệ nước che chở dân, linh ứng đã lâu. Nay Trẫm gánh vác mệnh lớn, nhớ nghĩ ơn thần, nên đáng gia tặng là Thần Quảng hậu Chính trực Hựu thiện Đôn ngưng. Vẫn chuẩn cho thôn Vĩnh Lộc, huyện Đông Xuyên phụng thờ như trước. Thần hãy giúp đỡ che chở con dân của trẫm.
Kính thay!
Tự Đức năm thứ 5 (1852), tháng 11, ngày 29.
__3. Câu đối tại đình xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú, tỉnh An Giang__
3.1. Ngoài tiền sảnh (võ ca) có 6 hàng cột. Hàng 1 ngay cửa vào có 3 câu đối; các hàng còn lại, từ hàng 2 đến hàng 6, mỗi hàng có 2 câu đối viết khắc trên cột.
Hàng 1:
1. Nguy nguy hoàng các quần công biểu;
Tụ tụ thương sinh vạn hộ xuân.
巍 巍 黃 閣 群 公 表;
聚 聚 蒼 生 萬 戶 春.
(Rờ rỡ gác vàng biểu dương các vị;
Sum họp trăm họ muôn nhà vui xuân.)
2. Vĩnh dương hương lý danh nghi tụng;
Lộc bá lê nguyên đức khả ca.
永 揚 鄉 里 名 宜 頌;
祿 播 黎 元 德 可 歌.
(Thôn xóm còn truyền tụng danh đáng nêu;
Lộc ban cho muôn dân đức ngợi ca.)
3. Nhật nguyệt thăng hằng ca thánh đức;
Càn khôn quảng đại tụng thần công.
日 月 升 恆 歌 聖 德;
乾 坤 廣 大 頌 神 功.
(Nhật nguyệt xoay vần ngợi ca đức thánh;
Đất trời rộng mở xưng tụng công thần.)
Hàng 2:
4. Nhân nhượng nghi tiền Tây Bá[1] nhật;
Cựu ca canh cổ Phóng Huân[2] phong.
仁 讓 嶷 前 西 佰 日;
舊 歌 賡 古 放 勳 風.
(Lấy lòng nhân mà nhún nhường, như noi theo thời Tây Bá đời trước;
Xưa còn ca tụng việc noi theo phong thái của Phóng Huân đời cổ.)
5. Hạo khí quán thành tồn kỷ niệm;
Tinh trung hiển đạt phổ từ ân.
浩 氣 貫 成 存 紀 念;
精 忠 顯 達 普 慈 恩.
(Chí khí chính đại bao trùm còn ghi tạc;
Lòng trung son sắt thông đạt khắp từ ân.)
Hàng 3:
6. Băng sương tiết tháo hà lăng tráng;
Thiết thạch can trường bất động di.
冰 霜 節 慥 何 稜 壯;
鐵 石 肝 腸 不 動 移.
(Tiết tháo như băng tuyết uy nghiêm hùng tráng;
Gan dạ như sắt đá chẳng thể đổi dời.)
7. Bảo chướng nhất phương biên cảnh túc;
Lập công bách thế quốc gia tư.
堡 障 一 方 邊 境 肅;
立 功 百 世 國 家 資.
(Trấn giữ một phương biên cảnh thanh bình;
Lập công muôn đời nước nhà sung túc.)
Hàng 4:
8. Thân siêu cửu bệ trung tâm tráng;
Uy túc tam quân hiệu lệnh hùng.
身 超 九 陛 忠 心 壯;
威 肅 三 軍 號 令 雄.
(Thân vượt nơi cửu bệ lòng trung sắt son;
Uy nghiêm khắp ba quân hiệu lệnh oai hùng.)
9. Thiên cổ công danh quang sử bút;
Nhất sinh trung nghĩa xuất thiên tư.
千 古 功 名 光 史 筆;
一 生 忠 義 出 天 資.
(Ngàn năm công danh rạng sử xanh;
Một đời trung nghĩa tót trời ban.)
Hàng 5:
10. Sinh dã trung can hà uý tử;
Tử tồn nghĩa khí thị như sinh.
生 也 忠 肝 何 畏 死;
死 存 義 氣 是 如生.
(Sống đó lòng trung nào sợ chết;
Thác mà nghĩa khí vẫn như còn.)
11. Cách trừ quan tệ như thần kiến;
Tuân sát dân tình tự kính minh.
革 除 官 弊 如 神 見,
詢 察 民 情 似 鏡 明.
(Cách trừ quan tham như thần xét;
Sâu sát dân tình tựa gương soi.)
Hàng 6:
12. Tiếp lý âm dương[3] tư thịnh đức;
Di luân[4] thiên địa hữu kỳ công.
燮 理 陰 陽 資 盛 德;
彌 綸 天 地 有 奇 功.
(Điều hòa âm dương nhờ đức lớn;
Nhiếp thống đất trời bởi kỳ công.)
13. Xã tắc sơn hà tư bảo chướng;
Âm dương tạo hoá tạ di luân.
社 稷 山 河 資 堡 障;
陰 陽 造 化 藉 彌 綸.
(Xã tắc sơn hà nhờ trấn giữ;
Âm dương tạo hóa được điều hòa.)
3.2. Phía trong đình có 3 hàng cột; hàng 1 và hàng 2 có 4 cột, mỗi hàng có 2 câu đối, hàng 3 có 2 cột chỉ có một câu đối.
Hàng 1:
14. Tứ hải phong điền Ngu Nhuế địa;
Ngũ hồ ba thuận Thuấn Nghiêu thiên.
四 海 風 田 虞 芮 地;
五 湖 波 順 舜 堯 天.
(Bốn bể gió lành đất Ngu, Nhuế[5];
Năm hồ sóng lặng trời Thuấn, Nghiêu.)
15. Nguy nguy thánh đức càn khôn đại;
Vĩnh vĩnh hoàng đồ nhật nguyệt trường.
嵬 嵬 聖 德 乾 坤 大;
永 永 皇 圖 日 月 長.
(Đức thánh rỡ ràng trời đất lớn;
Mưu lớn mãi mãi tháng ngày dài.)
Hàng 2:
16. Bách tuế hân thanh duy đức thị phụ;
Thiên thu hỉ khí y nhân nhi hành.
百 歲 欣 聲 維 德 是 輔;
千 秋 喜 氣 依 人 而 行.
(Mừng nghe trăm năm chỉ có đức là trọng;
Vui khí ngàn thu cứ theo người mà làm.)
17. Mục mục thần ân nhị tự tất phân thù cảnh phúc;
Nguy nguy thánh địa nhất thành kiền tiến báo hà linh.
穆 穆 神 恩 二 祀 苾 芬 酬 景 福;
嵬 嵬 聖 德 一 誠 虔 荐 報 遐 齡.
(Vời vợi ơn thần, hai kỳ tế tự, hương thơm tỏa ngát đền phúc cả;
Rờ rỡ đức thánh, một tấc lòng thành, dâng lên lễ mọn báo gần xa.)
Hàng 3:
18. Chí thành tắc động lưỡng gian vĩ tích dương dương thượng;
Thể vật vô di chung cổ huyền cơ tổng tổng trung.
至 誠 則 動[6]兩 間 偉 績 洋 洋 妴;
體 物 無 遺[7]終 古 玄 机 總 總 中.
(Chí thành thì cảm động, hai triều công tích lớn lao, vòi vọi uy nghi;
Thể hiện mà chẳng sót, muôn đời tạo hóa huyền diệu, rờ rỡ ngôi trên.)
3.3. Bàn thờ Thần ở chính giữa đình, chữ Thần (神) viết đại tự, hai bên là câu đối:
19. Mục mục chi trung nhân ái càn khôn triêm thánh đức;
Dương dương tại thượng thọ tế nhật nguyệt vĩnh hoàng đồ.
穆 穆 之 中 仁 愛 乾 坤 沾 聖 德;
洋 洋 在 上 壽 濟 日 月 永 皇 圖.
(Vời vợi lòng nhân ái, như đức thánh thấm khắp đất trời;
Vòi vọi ơn bề trên, thọ sánh với nhật nguyệt vững cơ đồ.)
Bên trái là bàn thờ Tả Ban (左班), chữ Tả Ban 左班 viết đại tự, hai bên có câu đối:
20. Thiên cổ công danh quang sử bút;
Nhất sinh trung nghĩa xuất thiên tư.
千 古 功 名 光 史 筆;
一 生 忠 義 出 天 資.
(Ngàn năm công danh rạng sử xanh;
Một đời trung nghĩa tót trời ban.)
Phía bên trái, cạnh bàn thờ Tả Ban (左班) là bàn thờ Tiền Hiền (前賢); chính giữa ở hàng trên có hai chữ Cung thỉnh 恭請, phía dưới ở giữa có hai chữ Tiền Hiền 前賢 viết đại tự; hai bên có câu đối:
21. Khai quật nhân cơ tiền triết trạch;
Hoá thành nghĩa tục hậu dân triêm.
開 掘 仁 基 前 哲[8]澤;
化 成 義 俗 後 民 沾.
(Mở mang nền nhân, ấy là nhờ ơn trạch của các bậc hiền triết đời trước;
Hóa thành nghĩa tục, để đời sau muôn dân được thấm khắp ân điển.)
Bên hông phía trái có bàn thờ Bạch Mã (白馬); chính giữa ở hàng trên có hai chữ Cung thỉnh 恭請, phía dưới ở giữa có hai chữ Bạch Mã 白馬 viết đại tự, ở dưới nữa có hai chữ Thái ích 太益, hai bên có câu đối:
22. Tự cổ truyền lai chân bạch mã;
Nhi kim truy tế chính ô trư.
自 古 傳 來 真 白 馬;
而 今 追 祭 正 烏 豬.
(Từ xưa còn truyền lại, đúng là con ngựa trắng;
Mà nay được cứu giúp, chính là con heo đen.)
Bên phải là bàn thờ Hữu Ban (右班), chữ Hữu Ban 右班 viết đại tự ở chính giữa, hai bên có câu đối:
23. Hạo khí quán thành tồn kỷ niệm;
Tinh trung hiển đạt phổ từ ân.
浩 氣 貫 成 存 紀 念;
精 忠 顯 達 普 慈 恩.
(Chí khí chính đại bao trùm còn ghi tạc;
Lòng trung son sắt thông đạt khắp từ ân.)
Phía bên phải, cạnh bàn thờ Hữu Ban (右班) là bàn thờ Hậu Hiền (後賢), chữ Hậu Hiền 後賢 viết đại tự ở chính giữa, hai bên có câu đối:
24. Vạn cổ bố tuệ tiên giác hậu;
Thiên thu trạch cửu cổ nhi kim.
萬 古 佈 慧 先 覺 後;
千 秋 澤 久 古 而 今.
(Muôn xưa ban bố sáng rõ trước sau biết đến;
Ngàn thu lợi ích lâu dài xưa cũng như nay.)
__4. Lời kết__
Như vừa trình bày, có thể thấy tuy miền Tây Nam bộ là vùng đất mới khai phá bởi công lao của các Chúa Nguyễn ở Đàng Trong, nhưng trong quá trình Nam tiến di dân mở cõi lập ấp, cha ông ta từ Ngũ Quảng (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức [Thừa Thiên], Quảng Nam, Quảng Ngãi) di dân vào đây lập nghiệp, và trong quá trình thiên di đó, các bậc tiền nhân đã mang theo văn hóa truyền thống của địa phương Trung kỳ để bảo tồn và truyền phát nơi vùng đất mới. Những ngôi đình ở Nam bộ nói chung, ngôi đình xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú nói chung là chứng tích văn hóa vừa nêu. Những câu đối tại đình chủ yếu là ca ngợi thế đất, phong cảnh địa phương; đặc biệt thể hiện ước mơ cuộc sống yên bình ấm no và ca ngợi công đức anh linh các bậc tiền hiền đã có công khai phá vùng đất này.
Đình Vĩnh Lộc đã được công nhận là di tích văn hóa cấp tỉnh từ những năm đầu 1990. Khuôn viên đình nằm bên bờ sông, cạnh dòng chảy xiết, có nguy cơ bị sạt lở bởi những mùa lũ về, dù dân làng từ lâu đã có ý thức làm bờ kè kiên cố chống giữ đất vườn đình. Hồi ấy, nhân chuyến thực tế, khi làm việc với ban ngành của tỉnh An Giang, chúng tôi đã có kiến nghị với Sở Văn hóa - Thông tin và Trung tâm Quản lý Di tích - Danh lam thắng cảnh của tỉnh về vấn đề bảo tồn các di tích văn hóa trong đó có ngôi đình này.
Phụ lục: Bản đồ hành chính huyện An Phú, trong đó có xã Vĩnh Lộc
Nguồn: Wikipedia Vietnam.
____________________
[1] Tây Bá 西伯: Tên đầy đủ là Tây Bá Cơ Xương [西伯 姬昌] (1090 Tr.CN - 1050 Tr.CN), tức Chu Văn Vương, ông chính là người đã xây nền móng cho triều đại nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc.
[2] Phóng Huân 放勳: Tên vua Nghiêu. Thư - Nghiêu điển: “曰若稽古, 帝堯曰放勳” (Viết nhược kê cổ, Đế Nghiêu viết Phóng Huân: Xét về đời xưa, Đế Nghiêu là Phóng Huân vậy. (Chính vì khi còn sống, Vua Nghiêu là người cung kính, thông minh, văn nhã, có nhiều công lao to lớn (huân), cho nên mới gọi ông là Phóng Huân. (Theo bản chú thích của Lục Đức Minh.). Sử ký - Ngũ đế bản kỷ: Đế Nghiêu giả, Phóng Huân.
[3] Tiếp lý âm dương 燮 理 陰 陽: Chữ dùng trong Kinh thư, nghĩa là điều hòa cai trị, trí lý hòa hợp. Thường dùng để chỉ vai trò nhiệm vụ của bậc đại thần, tể tướng. Thư - Chu quan: “立太師, 太傅, 太保, 兹惟三公, 論道經邦, 燮理陰 陽。 ” (Lập Thái sư, Thái phó, Thái bảo, tư duy Tam công, luận đạo kinh bang, tiếp lý âm dương: Lập Thái sư, Thái phó, Thái bảo gọi là Tam công [để] bàn bạc đạo lý cai trị đất nước, điều hòa âm dương.)
[4] Di luân 彌綸: Chữ trong Kinh Dịch, nghĩa là “nhiếp thống”, “bao quát”, “trị lý”, “quán thông”, “sửa sang”. Dịch - Hệ từ thượng: 易與天地准, 故能彌綸天地之道。(Dịch dữ thiên địa chuẩn, cố năng di luân thiên địa chi đạo: Kinh Dịch [vì có đủ cái đạo của trời đất, cho nên] cùng làm chuẩn đích với trời đất; do đó mà chỉnh đốn, sửa sang được đạo của trời đất).
[5] Ngu, Nhuế: Tên hai nước đầu đời Chu, đất Ngu nay thuộc huyện Bình Lục, tỉnh Sơn Tây (TQ), đất Nhuế nay thuộc huyện Đại Hiệp, tỉnh Thiểm Tây (TQ). Tương truyền người ở hai nước này vì có việc tranh giành mà gây nên kiện tụng, họ phải đến nhà Chu cầu xin Tây Bá Cơ Xương xử trí mới thôi việc kiện tụng. Nay còn truyền lại điển tích “Ngu Nhuế chi tụng” (虞芮之訟 ) Cho nên câu trên ý chỉ bốn bể đã thanh bình như [hai nước] Ngu và Nhuế đời xưa, không còn cảnh tranh giành, kiện tụng nữa.
[6] Chí thành tắc động: Chữ dùng trong sách Trung dung. “誠則形, 形則著, 著則明, 明則動, 動則變, 變則化. 唯天下至誠為能化。”(Thành tắc hình, hình tắc trứ, trứ tắc minh, minh tắc động, động tắc biến, biến tắc hóa. Duy thiên hạ chí thành vi năng hóa. “Thành” thì sẽ biểu hiện ra bên ngoài, biểu hiện ra bên ngoài thì sẽ rõ, rõ thì sẽ sáng, sáng thì sẽ động, động thì sẽ biến, biến thì sẽ hóa. Chỉ có đạt tới chí thành trong thiên hạ thì mới có thể có công hóa dục. Trung dung, chương 23.)
[7] Thể vật vô di: Chữ dùng trong sách Trung dung, nghĩa là “những thể hiện ra ở mọi vật thì chẳng thể sót thứ gì”. Trung dung (chương 16):“子曰鬼神之為德,其盛矣乎!視之而弗見,聽之而弗聞, 體物而不可遺” (Tử viết: Quỷ thần chi vi đức, kỳ thịnh hỹ hồ! Thị chi nhi phất kiến, thính chi nhi phất văn, thể vật nhi bất khả di. Công đức của quỷ thần, thật to lớn xiết bao! Dẫu là nhìn cũng không thấy, lắng cũng không nghe, nhưng thể hiện ra ở mọi vật thì chẳng thể sót thứ gì.)
[8] Tiền triết: Chữ dùng trong sách Tả truyện, cũng viết là “前喆”, chỉ các bậc hiền triết đời trước. Tả truyện - Thành Công bát niên: “夫豈無辟王,賴前哲以免力”.
PGS.TS. Nguyễn Công Lý
An Giang - Sài Gòn, tháng 4/2005 – tháng 4/2018.
Nguồn: Viện Nghiên cứu Hán Nôm: Nghiên cứu Hán Nôm năm 2018. NXB Thế giới. Hà Nội. 2018. Trang 700-710.
https://sites.google.com/site/namkyluctinhorg/tac-gia-tac-pham/n/nguyen-cong-ly/sac-than-va-cau-doi-chu-han-tai-dinh-xa-vinh-loc-huyen-an-phu-tinh-an-giang