Ly kỳ chuyện đình thần Giao Khẩu
(AGO) - Dù chỉ là ngôi đình nhỏ nằm ở thị trấn An Phú (An Phú) nhưng đình Giao Khẩu lại chứa đựng câu chuyện huyền bí về lịch sử hình thành cùng với tên gọi độc đáo của nó.
Theo người dân địa phương, vùng đất An Phú xưa kia vốn là khu rừng rậm sát biên giới Chân Lạp với lau sậy mọc đầy, dân cư thưa thớt. Vùng này có 2 ngôi làng nhưng đời sống của người dân khá chênh lệch. Làng Vĩnh Thành tập trung nhiều hộ khá giả, ruộng đất phì nhiêu. Làng An Thạnh chủ yếu là dân nghèo sinh sống bằng nghề câu lưới. Do nhu cầu tín ngưỡng, làng nào cũng lập đình thờ Chánh thần Nguyễn Hữu Cảnh.
Người dân vẫn đến đình cúng bái thường xuyên
Các cụ kể tiếp, do làng Vĩnh Thành dân cư sung túc nên việc xây dựng đình nhanh chóng hoàn thành, khang trang và vững chãi. Dân làng An Thạnh cũng mời thợ về cất đình để bá tánh có nơi hương khói. Tuy nhiên, do thiếu tiền bạc nên việc xây dựng đình rất chậm. Ông Đinh Văn Chóp, thủ từ đình thần Giao Khẩu, kể: “Nghe các bậc cha chú nói lại là trong số thợ xây đình có một ông thợ rất giỏi bùa lỗ bang. Không ai biết tên thật của ông, họ chỉ quen gọi là ông thợ Tư. Cũng từ ông thợ Tư mà xuất hiện huyền thoại ly kỳ về việc “đổi đình”. Dù sự việc đã diễn ra cả trăm năm nhưng khi nhắc lại vẫn rất cuốn hút người nghe”.
Theo lời ông Chóp, vào đêm trước ngày lễ Kỳ yên, mọi người cảm thấy lo lắng vì đình chưa xây xong sẽ không có nơi cúng tế. Lúc này, ông thợ Tư điềm đạm nói: “Không phải lo, chưa có đình thì mượn tạm đình của người ta về cúng. Cúng xong trả lại cũng được mà”. Mọi người bán tín bán nghi lời của ông thợ Tư. Ngay trong đêm đó, ông đã sử dụng bùa phép làm nổi lên một trận cuồng phong khiến mọi người hoảng sợ bỏ chạy về nhà. Sáng ra, họ thấy ngôi đình Vĩnh Thành sờ sờ trước mặt, đặt cạnh vị trí đình Giao Khẩu đang xây dở dang. Ông thợ Tư dặn mọi người tranh thủ cúng lễ Kỳ yên cho nhanh để tối hôm sau mang đình trả lại, nếu không, người dân làng Vĩnh Thành sẽ đi kiện quan trên. Dân làng An Thạnh nhanh chóng làm theo lời ông. Tối hôm sau, lại một trận cuồng phong nổi lên và vị trí 2 ngôi đình trở lại như cũ.
Dù đình đã được “trả lại” nhưng dân làng Vĩnh Thành vẫn quyết định đi kiện. Kết quả vụ kiện thế nào không rõ nhưng đình Giao Khẩu vẫn được xây dựng hoàn thành và tồn tại cho đến ngày nay. Sau khi xây xong ngôi đình, ông thợ Tư cũng đi biệt không một lần trở lại làng An Thạnh. “Người ta không biết ông đi đâu. Họ chỉ truyền tai nhau việc ông thợ Tư đi khắp nơi trong vùng Nam Bộ để xây cất các đình chùa, miếu mạo cho người dân thờ tự. Ngoài ra, tôi còn nghe kể về việc ông thợ Tư qua sông bằng cách cưỡi trên một chiếc nón lá” - ông Chóp nhớ lại.
Với những chi tiết ly kỳ liên quan đến việc “đổi đình”, người dân khắp nơi thường tìm đến đình Giao Khẩu để khấn vái, cầu mong điều tốt lành. Điểm độc đáo khác của đình Giao Khẩu là tên gọi của nó không được đặt theo tên làng, mà lại dựa theo hiện thực khách quan. “Do đình Vĩnh Thành bên kia sông tọa lạc ở vị trí gần như đối diện với ngôi đình này nên dân trong vùng gọi là “giao khẩu”. Cả hai ngôi đình đều thờ danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh nên con cháu đời sau chúng tôi không còn quan tâm đến hiềm khích của việc “đổi đình” trong quá khứ. Chúng tôi vẫn qua lại, mời mọc nhau những dịp hiếu hỷ hay cúng đình” - ông Chóp thật tình.
Do đình đã được xây dựng trên trăm năm, trải qua bom đạn chiến tranh và mưa nắng thời gian nên đã xuống cấp trầm trọng. Lần trùng tu cuối cùng đã diễn ra từ năm 1993. Đến nay, nhiều chi tiết trong đình bị cũ nát nhưng chưa thể xây dựng lại. “Hiện nay, chúng tôi đang mong mỏi có điều kiện sửa chữa lại đình. Đây là nơi tín ngưỡng chung của người dân nên cần phải được xây dựng khang trang hơn. Câu chuyện ly kỳ về đình thần Giao Khẩu dù chỉ là huyền thoại dân gian nhưng chúng tôi cũng thấy vui vì đó là điểm đặc biệt của nơi này” - ông Chóp bộc bạch.
Bài, ảnh: THANH TIẾN
http://www.baoangiang.com.vn/Chuyen-muc-khac/Trong-tinh/Ly-ky-chuyen-inh-than-Giao-Khau.html
## Ly kỳ chuyện đình thần Giao Khẩu
(AGO) - Dù chỉ là ngôi đình nhỏ nằm ở thị trấn An Phú (An Phú) nhưng đình Giao Khẩu lại chứa đựng câu chuyện huyền bí về lịch sử hình thành cùng với tên gọi độc đáo của nó.
Theo người dân địa phương, vùng đất An Phú xưa kia vốn là khu rừng rậm sát biên giới Chân Lạp với lau sậy mọc đầy, dân cư thưa thớt. Vùng này có 2 ngôi làng nhưng đời sống của người dân khá chênh lệch. Làng Vĩnh Thành tập trung nhiều hộ khá giả, ruộng đất phì nhiêu. Làng An Thạnh chủ yếu là dân nghèo sinh sống bằng nghề câu lưới. Do nhu cầu tín ngưỡng, làng nào cũng lập đình thờ Chánh thần Nguyễn Hữu Cảnh.
http://i.imgur.com/HBaI1r0.jpg
Người dân vẫn đến đình cúng bái thường xuyên
Các cụ kể tiếp, do làng Vĩnh Thành dân cư sung túc nên việc xây dựng đình nhanh chóng hoàn thành, khang trang và vững chãi. Dân làng An Thạnh cũng mời thợ về cất đình để bá tánh có nơi hương khói. Tuy nhiên, do thiếu tiền bạc nên việc xây dựng đình rất chậm. Ông Đinh Văn Chóp, thủ từ đình thần Giao Khẩu, kể: “Nghe các bậc cha chú nói lại là trong số thợ xây đình có một ông thợ rất giỏi bùa lỗ bang. Không ai biết tên thật của ông, họ chỉ quen gọi là ông thợ Tư. Cũng từ ông thợ Tư mà xuất hiện huyền thoại ly kỳ về việc “đổi đình”. Dù sự việc đã diễn ra cả trăm năm nhưng khi nhắc lại vẫn rất cuốn hút người nghe”.
Theo lời ông Chóp, vào đêm trước ngày lễ Kỳ yên, mọi người cảm thấy lo lắng vì đình chưa xây xong sẽ không có nơi cúng tế. Lúc này, ông thợ Tư điềm đạm nói: “Không phải lo, chưa có đình thì mượn tạm đình của người ta về cúng. Cúng xong trả lại cũng được mà”. Mọi người bán tín bán nghi lời của ông thợ Tư. Ngay trong đêm đó, ông đã sử dụng bùa phép làm nổi lên một trận cuồng phong khiến mọi người hoảng sợ bỏ chạy về nhà. Sáng ra, họ thấy ngôi đình Vĩnh Thành sờ sờ trước mặt, đặt cạnh vị trí đình Giao Khẩu đang xây dở dang. Ông thợ Tư dặn mọi người tranh thủ cúng lễ Kỳ yên cho nhanh để tối hôm sau mang đình trả lại, nếu không, người dân làng Vĩnh Thành sẽ đi kiện quan trên. Dân làng An Thạnh nhanh chóng làm theo lời ông. Tối hôm sau, lại một trận cuồng phong nổi lên và vị trí 2 ngôi đình trở lại như cũ.
Dù đình đã được “trả lại” nhưng dân làng Vĩnh Thành vẫn quyết định đi kiện. Kết quả vụ kiện thế nào không rõ nhưng đình Giao Khẩu vẫn được xây dựng hoàn thành và tồn tại cho đến ngày nay. Sau khi xây xong ngôi đình, ông thợ Tư cũng đi biệt không một lần trở lại làng An Thạnh. “Người ta không biết ông đi đâu. Họ chỉ truyền tai nhau việc ông thợ Tư đi khắp nơi trong vùng Nam Bộ để xây cất các đình chùa, miếu mạo cho người dân thờ tự. Ngoài ra, tôi còn nghe kể về việc ông thợ Tư qua sông bằng cách cưỡi trên một chiếc nón lá” - ông Chóp nhớ lại.
Với những chi tiết ly kỳ liên quan đến việc “đổi đình”, người dân khắp nơi thường tìm đến đình Giao Khẩu để khấn vái, cầu mong điều tốt lành. Điểm độc đáo khác của đình Giao Khẩu là tên gọi của nó không được đặt theo tên làng, mà lại dựa theo hiện thực khách quan. “Do đình Vĩnh Thành bên kia sông tọa lạc ở vị trí gần như đối diện với ngôi đình này nên dân trong vùng gọi là “giao khẩu”. Cả hai ngôi đình đều thờ danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh nên con cháu đời sau chúng tôi không còn quan tâm đến hiềm khích của việc “đổi đình” trong quá khứ. Chúng tôi vẫn qua lại, mời mọc nhau những dịp hiếu hỷ hay cúng đình” - ông Chóp thật tình.
Do đình đã được xây dựng trên trăm năm, trải qua bom đạn chiến tranh và mưa nắng thời gian nên đã xuống cấp trầm trọng. Lần trùng tu cuối cùng đã diễn ra từ năm 1993. Đến nay, nhiều chi tiết trong đình bị cũ nát nhưng chưa thể xây dựng lại. “Hiện nay, chúng tôi đang mong mỏi có điều kiện sửa chữa lại đình. Đây là nơi tín ngưỡng chung của người dân nên cần phải được xây dựng khang trang hơn. Câu chuyện ly kỳ về đình thần Giao Khẩu dù chỉ là huyền thoại dân gian nhưng chúng tôi cũng thấy vui vì đó là điểm đặc biệt của nơi này” - ông Chóp bộc bạch.
Bài, ảnh: THANH TIẾN
http://www.baoangiang.com.vn/Chuyen-muc-khac/Trong-tinh/Ly-ky-chuyen-inh-than-Giao-Khau.html
edited Apr 12 '16 lúc 8:33 pm