CÙ LAO KẾT XƯA VÀ NAY
Nguyễn Hữu Hiệp
Trước hết tưởng cũng nên khái quát đôi dòng về cù lao và cồn.
Về địa hình, tỉnh An Giang chia làm 2 phần: phần Tây sông Hậu gọi “vùng đất bán sơn địa”, gồm các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn, thị xã Châu Đốc, và thành phố Long Xuyên. Phần còn lại được gọi là “vùng đất cù lao” gồm các huyện An Phú, Phú Tân, Chợ Mới và thị xã Tân Châu. Gọi vùng đất cù lao vì ba bên hoặc bốn bề các huyện, thị này được bao quanh bởi các nhánh sông Tiền, sông Hậu và chi lưu của nó, tức những con rạch lớn tự nhiên.
Tùy địa hình, và tùy theo sự phân chia địa giới hành chính mỗi thời kỳ mà từng huyện, thị có khi lại có một/ nhiều cù lao phụ. Thí dụ Cù lao Giêng là cù lao phụ của Cù lao Ông Chưởng (huyện Chợ Mới).
Nhưng cù lao là sao? Cù lao và cồn có khác nhau?
Như chúng ta đều biết, Nam Bộ là vùng đất thấp, nên ngoại trừ vùng núi cao, toàn diện tích đều nước ngập cục bộ quanh năm. Tuy vẫn có lung, vũng, đường nước do thú rừng di chuyển tạo nên, nhưng nếu nhìn bao quát thì toàn vùng là “đất liền”, được cấu tạo bởi phù sa cổ.
Xưa thật là xưa, sông Mê kong từ thượng nguồn đổ xuống, ào ạt lan tỏa tùy tiện trên diện rộng, rất rộng, tức chưa định hình thành dòng sông một cách “có trật tự” như hiện nay. Do đất ở miền ngoài cao và cứng (từ Sài Gòn trở ra – cuối dãy Trường Sơn) nên chúng không thể xâm thực được, trong khi toàn vùng Nam Bộ đất đều mềm, bở. “Khám phá” được điều này, chúng tập trung xoi phá để tìm đường ra biển. Lâu ngày hình thành hai nhánh sông: trước là nhánh sông Tiền, sau là nhánh sông Hậu, gọi chung là sông Cửu Long. Bằng vào sức chảy của mình, từng nhánh sông tự tìm đường mà đi, khi gặp phải vùng đất cứng khó xoi phá, nó ngoặc sang hướng khác (thí dụ tại đầu Cù lao Ông Chưởng – phía trên bến phà Thuận Giang, thuộc xã Kiến An, huyện Chợ Mới), hoặc tẻ ra làm hai dòng chảy cặp theo hai bên để rồi sau đó nhập lại. Vùng đất ấy trở thành “cù lao”. Thí dụ Cù lao Long Khánh (ngang Tân Châu, nay thuộc tỉnh Đồng Tháp), Cù lao Cái Vừng (Long Thuận và Phú Thuận, nay thuộc tỉnh Đồng Tháp), Cù lao Tây (tên cũ là Cù lao Tê), Cù lao Giêng trên sông Tiền; Cù lao Ông Hổ, Cù lao Tân Lộc (nay thuộc thành phố Cần Thơ)… trên sông Hậu.
Bên kia sông là xã Kiến An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang (Cù lao Ông Chưởng), xa hơn là xã Tân Huề, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp (Cù lao Tây)
Nhìn từ bến phà Thuận Giang, Phú Tân
“Sông sâu bên lở bên bồi” nên tại những khúc “sông cái” dài mà quá rộng lớn thì, do ảnh hưởng sự xâm thực của dòng chảy và “sóng đùa nước vận”, phù sa lắng tụ lại ở giữa sông ngày càng nhiều, nổi lên như một đụn cát lớn. Tuy cũng bốn bề sông nước nhưng những đụn cát này người ta không gọi cù lao mà gọi là “cồn”. Thí dụ như cồn Châu Ma xế dưới Chợ Vàm; Cồn Lân, Cồn Chài nối theo Cù lao Giêng trên sông Tiền; Cồn Tiên ngang Châu Đốc, cồn Katambong hay Cỏ Òn Bon xã Khánh Hòa, cồn Bình Thủy, cồn Bà Hòa xã Bình Thạnh trên sông Hậu. Tuy nhiên, đối với những cồn có diện tích lớn, đã hình thành từ cả trăm năm thì dân gian cũng “gọi tôn” là cù lao, thí dụ cồn Châu Ma cũng gọi Cù lao Ma, cồn Khánh Hòa cũng gọi Cù lao Khánh Hòa…
Nói tóm, cồn là đất tân bồi, trồng hoa màu rất tốt, nhưng do phù sa mới kết tụ còn xốp, chưn đất mềm yếu nên có khi ảnh hưởng sự thay đổi của dòng chảy phía trên đó, làm cho cồn bị “chìm” (mất – chẳng hạn như Cồn Vôi tức Cồn Dĩa, ngang Chợ Vàm). Còn cù lao là đất cổ, cứng và dẻ dặt, trồng hoa màu không tốt bằng đất cồn. Người dân địa phương đào mương, vít hầm thỉnh thoảng vẫn bắt gặp những thân cây to bị ngã đổ, hoặc một số đồ gốm cổ trong lòng đất.
Vậy về góc độ hình thành, cù lao và cồn hoàn toàn khác nhau.
Ông già bà cả ở huyện Phú Tân và thị xã Tân Châu vẫn thường gọi vùng đất này thuộc Cù lao Kết. Sang sông Bình Di, qua Pẹc-Chạy bên kia biên giới (ngang chợ Khánh An, An Phú), nhân trò chuyện với một số bà con người Việt sống tại đây, được biết thêm: Cù lao Kết rất rộng lớn, chạy dài từ Nam Vang (vùng đất giữa hai nhánh sông từ Biển Hồ tách ra, dẫn dài xuống Việt Nam, tới tận sông Vàm Nao (nối sông Tiền và sông Hậu, thuộc huyện Phú Tân, An Giang).
Về ngữ nghĩa, tên gọi này là tiếng Miên hay tiếng Việt, ý nghĩa nó là gì, vẫn chưa ai biết rõ. Nếu là tiếng Việt thì có thể đây là một cù lao lớn được kết lại từ nhiều cù lao nhỏ khác. Thực tế là vậy vì hình thế vùng đất ở đầu nguồn này, do tác động của dòng chảy các nhánh sông Tiền, sông Hậu và các chi lưu của nó, nên thường bị thay đổi. Bồi đó rồi lở đó, kiểu “tang tang điền biến vi thương hải” – nay ruộng dâu bạt ngàn, mai bỗng trở thành mênh mông biển cả, hoặc ngược lại! Tuy nhiên đây chỉ là một cách lý giải, chưa chắc đúng, nên cũng có thể chưa mấy thuyết phục. Còn về hình thể nguyên thủy của Cù lao Kết, nếu nhìn trên bản đồ ta thấy nó có dạng hình con Quy, đầu quay về Vàm Nao, nằm giữa hai nhánh sông Tiền Giang và Hậu Giang (bao gồm một số cồn, và cù lao nhỏ như cù lao Cái Vừng/ Tán Dù trên sông Tiền, xế dưới Tân Châu; cù lao Khánh Hòa trên sông Hậu thuộc huyện Châu Phú), tức chỉ nói trên phần đất Việt Nam, nó bao trùm toàn thị xã Tân Châu, toàn huyện Phú Tân, và khoảng gần 1/2 diện tích huyện An Phú (các xã Phú Hữu, Vĩnh Lộc, Vĩnh Hậu…), trong đó, nói theo địa hình hành chính hiện nay, huyện Phú Tân chiếm phần nhiều (Tân Châu: 175 km²; Phú Tân: 313,5 km2; toàn huyện An Phú: 226 km²). Vì vậy có thể nói trong các cù lao ở An Giang, Cù lao Kết có diện tích lớn nhất.
Về phương diện lịch sử, Cù lao Kết được biết đến tận từ thời Nguyễn, muộn lắm cũng vào năm Đinh Sửu (1757) khi ông Nguyễn Cư Trinh cho thành lập “tam đạo” gồm Đông Khẩu đạo (đặt tại phía nam sông Sa Đéc), Châu Đốc đạo (tại Châu Đốc) và Tân Châu đạo (tại đầu Cù lao Giêng, ngang Chợ Thủ) để nhằm hỗ trợ cho nhau trong việc ngăn chặn bọn ngoại xâm từ bên kia biên giới tràn xuống. Sau, khi tình thế an ninh đã ổn định, chức năng bố phòng quân sự không còn cần thiết, nên Tân Châu đạo được dời dần lên phía thượng nguồn, rồi cố định luôn tại một nơi mà nay là thị xã Tân Châu.
Như đã nói, do được bao bọc bởi hai nhánh sông Tiền Giang và Hậu Giang nên toàn diện địa Cù lao Kết được phù sa bồi tụ hàng năm, do đó vùng đất nơi đây đều thích hợp các loại cây trồng như lúa/ nếp, rau màu, cây ăn trái (nhãn Long Sơn), cây công nghiệp (mặc nưa nhuộm hàng lãnh), kể cả “cây ăn lá” (dâu tằm ăn, trầu) …, hầu hết đều đạt cả ba mặt năng suất, chất lượng và hiệu quả. Nói chung là nông nghiệp rất phát triển.
Lá Trầu Long Sơn
Và cũng chính vì vậy mà vùng đầu nguồn (sông Tiền) đã hình thành những mõ cát xây dựng với trữ lượng rất lớn, hay nói đúng hơn là “vô tận”, bởi nó được dòng chảy mang đến bổ sung (lắng tụ ở đáy sông) từng ngày với chất lượng tuyệt vời ngoài mong đợi của ngành xây dựng!
Khai thác cát sông
Do Cù lao Kết ba bên bốn bề đều sông sâu nước chảy, bên trong thì ruộng đồng cò bay mỏi cánh nên hơn đâu hết, nguồn lợi thủy sản nơi đây vô cùng phong phú và đa dạng. Sông rạch nào cũng không chỉ đầy ắp cá tôm … mà còn nhung nhúc lươn, cua, rùa, rắn… Nhiều đến mức “không sao ăn hết”, nên người dân nơi đây không thể không sáng tạo những hình thức “để dành” như làm khô, làm mắm, nấu nước mắm (ban đầu chỉ để dùng trong gia đình, dần về sau mới đem tiêu thụ ở các chợ, rồi … xuất khẩu.
Đánh bắt cá Bông Lao trên sông Vàm Nao
Tuyệt đại bộ phận người dân ở Cù lao Kết đều sống về nông nghiệp (thị trấn Phú Mỹ là một trong hai thí điểm trồng lúa thần nông thành công đầu tiên trong cả nước, làm tăng cao năng suất lúa mỗi vụ gấp 4 – 5 lần trên cùng một diện tích; cũng là địa phương trồng nếp, tập trung nhiều nhất ở huyện Phú Tân); nuôi trồng và đánh bắt thủy sản (chài, đáy cá linh trong mùa nước nổi; vớt cá tra con trên sông Tiền; đánh bắt cá bụng, lưới cá bông lau trên sông Vàm Nao; cũng là nơi đầu tiên trong cả nước đóng bè nuôi cá lóc, cá bông làm mắm tiêu thụ nội địa, cá tra, cá ba sa xuất khẩu).
Một bộ phận khác chuyên nghề tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp (xay xát lúa gạo, hình thành nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như nghề dệt thổ cẩm, nhuộm hàng lãnh mỹ a, đồ rèn dân dụng, bó chổi bông cỏ, làm bánh phồng…).
Làng nghề Bó chổi
Vì là cù lao ở đầu nguồn nên đến mùa nước nổi, phần lớn diện tích đất đều bị ngập, nhất là vùng sâu (nội đồng) có nơi ngập đến vài ba mét, ảnh hưởng không nhỏ sinh hoạt đời sống nhân dân. Tuy nhiên, do đã quen và cũng do đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu nên hầu hết người dân đều biết cách khai thác những mặt tích cực trong mùa nước dâng, nhất là về phương diện khai thác thủy sản. Nước giựt, đồng ruộng lại được bồi thêm mấy tấc phù sa, giúp cây lúa, cây màu thêm tươi tốt.
Nhờ chí thú làm ăn và cần cù trong lao động sản xuất nên thu nhập bình quân của người dân Cù lao Kết tương đối ổn định, đời sống vật chất và tinh thần đều thong dong, thư thả…
http://phatgiaobaclieu.com/cu-lao-ket-xua-va-nay-nguyen-huu-hiep/
# CÙ LAO KẾT XƯA VÀ NAY
### Nguyễn Hữu Hiệp
Trước hết tưởng cũng nên khái quát đôi dòng về cù lao và cồn.
Về địa hình, tỉnh An Giang chia làm 2 phần: phần Tây sông Hậu gọi “vùng đất bán sơn địa”, gồm các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn, thị xã Châu Đốc, và thành phố Long Xuyên. Phần còn lại được gọi là “vùng đất cù lao” gồm các huyện An Phú, Phú Tân, Chợ Mới và thị xã Tân Châu. Gọi vùng đất cù lao vì ba bên hoặc bốn bề các huyện, thị này được bao quanh bởi các nhánh sông Tiền, sông Hậu và chi lưu của nó, tức những con rạch lớn tự nhiên.
Tùy địa hình, và tùy theo sự phân chia địa giới hành chính mỗi thời kỳ mà từng huyện, thị có khi lại có một/ nhiều cù lao phụ. Thí dụ Cù lao Giêng là cù lao phụ của Cù lao Ông Chưởng (huyện Chợ Mới).
Nhưng cù lao là sao? Cù lao và cồn có khác nhau?
Như chúng ta đều biết, Nam Bộ là vùng đất thấp, nên ngoại trừ vùng núi cao, toàn diện tích đều nước ngập cục bộ quanh năm. Tuy vẫn có lung, vũng, đường nước do thú rừng di chuyển tạo nên, nhưng nếu nhìn bao quát thì toàn vùng là “đất liền”, được cấu tạo bởi phù sa cổ.
Xưa thật là xưa, sông Mê kong từ thượng nguồn đổ xuống, ào ạt lan tỏa tùy tiện trên diện rộng, rất rộng, tức chưa định hình thành dòng sông một cách “có trật tự” như hiện nay. Do đất ở miền ngoài cao và cứng (từ Sài Gòn trở ra – cuối dãy Trường Sơn) nên chúng không thể xâm thực được, trong khi toàn vùng Nam Bộ đất đều mềm, bở. “Khám phá” được điều này, chúng tập trung xoi phá để tìm đường ra biển. Lâu ngày hình thành hai nhánh sông: trước là nhánh sông Tiền, sau là nhánh sông Hậu, gọi chung là sông Cửu Long. Bằng vào sức chảy của mình, từng nhánh sông tự tìm đường mà đi, khi gặp phải vùng đất cứng khó xoi phá, nó ngoặc sang hướng khác (thí dụ tại đầu Cù lao Ông Chưởng – phía trên bến phà Thuận Giang, thuộc xã Kiến An, huyện Chợ Mới), hoặc tẻ ra làm hai dòng chảy cặp theo hai bên để rồi sau đó nhập lại. Vùng đất ấy trở thành “cù lao”. Thí dụ Cù lao Long Khánh (ngang Tân Châu, nay thuộc tỉnh Đồng Tháp), Cù lao Cái Vừng (Long Thuận và Phú Thuận, nay thuộc tỉnh Đồng Tháp), Cù lao Tây (tên cũ là Cù lao Tê), Cù lao Giêng trên sông Tiền; Cù lao Ông Hổ, Cù lao Tân Lộc (nay thuộc thành phố Cần Thơ)… trên sông Hậu.
Bên kia sông là xã Kiến An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang (Cù lao Ông Chưởng), xa hơn là xã Tân Huề, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp (Cù lao Tây)
Nhìn từ bến phà Thuận Giang, Phú Tân
“Sông sâu bên lở bên bồi” nên tại những khúc “sông cái” dài mà quá rộng lớn thì, do ảnh hưởng sự xâm thực của dòng chảy và “sóng đùa nước vận”, phù sa lắng tụ lại ở giữa sông ngày càng nhiều, nổi lên như một đụn cát lớn. Tuy cũng bốn bề sông nước nhưng những đụn cát này người ta không gọi cù lao mà gọi là “cồn”. Thí dụ như cồn Châu Ma xế dưới Chợ Vàm; Cồn Lân, Cồn Chài nối theo Cù lao Giêng trên sông Tiền; Cồn Tiên ngang Châu Đốc, cồn Katambong hay Cỏ Òn Bon xã Khánh Hòa, cồn Bình Thủy, cồn Bà Hòa xã Bình Thạnh trên sông Hậu. Tuy nhiên, đối với những cồn có diện tích lớn, đã hình thành từ cả trăm năm thì dân gian cũng “gọi tôn” là cù lao, thí dụ cồn Châu Ma cũng gọi Cù lao Ma, cồn Khánh Hòa cũng gọi Cù lao Khánh Hòa…
Nói tóm, cồn là đất tân bồi, trồng hoa màu rất tốt, nhưng do phù sa mới kết tụ còn xốp, chưn đất mềm yếu nên có khi ảnh hưởng sự thay đổi của dòng chảy phía trên đó, làm cho cồn bị “chìm” (mất – chẳng hạn như Cồn Vôi tức Cồn Dĩa, ngang Chợ Vàm). Còn cù lao là đất cổ, cứng và dẻ dặt, trồng hoa màu không tốt bằng đất cồn. Người dân địa phương đào mương, vít hầm thỉnh thoảng vẫn bắt gặp những thân cây to bị ngã đổ, hoặc một số đồ gốm cổ trong lòng đất.
Vậy về góc độ hình thành, cù lao và cồn hoàn toàn khác nhau.
Ông già bà cả ở huyện Phú Tân và thị xã Tân Châu vẫn thường gọi vùng đất này thuộc Cù lao Kết. Sang sông Bình Di, qua Pẹc-Chạy bên kia biên giới (ngang chợ Khánh An, An Phú), nhân trò chuyện với một số bà con người Việt sống tại đây, được biết thêm: Cù lao Kết rất rộng lớn, chạy dài từ Nam Vang (vùng đất giữa hai nhánh sông từ Biển Hồ tách ra, dẫn dài xuống Việt Nam, tới tận sông Vàm Nao (nối sông Tiền và sông Hậu, thuộc huyện Phú Tân, An Giang).
Về ngữ nghĩa, tên gọi này là tiếng Miên hay tiếng Việt, ý nghĩa nó là gì, vẫn chưa ai biết rõ. Nếu là tiếng Việt thì có thể đây là một cù lao lớn được kết lại từ nhiều cù lao nhỏ khác. Thực tế là vậy vì hình thế vùng đất ở đầu nguồn này, do tác động của dòng chảy các nhánh sông Tiền, sông Hậu và các chi lưu của nó, nên thường bị thay đổi. Bồi đó rồi lở đó, kiểu “tang tang điền biến vi thương hải” – nay ruộng dâu bạt ngàn, mai bỗng trở thành mênh mông biển cả, hoặc ngược lại! Tuy nhiên đây chỉ là một cách lý giải, chưa chắc đúng, nên cũng có thể chưa mấy thuyết phục. Còn về hình thể nguyên thủy của Cù lao Kết, nếu nhìn trên bản đồ ta thấy nó có dạng hình con Quy, đầu quay về Vàm Nao, nằm giữa hai nhánh sông Tiền Giang và Hậu Giang (bao gồm một số cồn, và cù lao nhỏ như cù lao Cái Vừng/ Tán Dù trên sông Tiền, xế dưới Tân Châu; cù lao Khánh Hòa trên sông Hậu thuộc huyện Châu Phú), tức chỉ nói trên phần đất Việt Nam, nó bao trùm toàn thị xã Tân Châu, toàn huyện Phú Tân, và khoảng gần 1/2 diện tích huyện An Phú (các xã Phú Hữu, Vĩnh Lộc, Vĩnh Hậu…), trong đó, nói theo địa hình hành chính hiện nay, huyện Phú Tân chiếm phần nhiều (Tân Châu: 175 km²; Phú Tân: 313,5 km2; toàn huyện An Phú: 226 km²). Vì vậy có thể nói trong các cù lao ở An Giang, Cù lao Kết có diện tích lớn nhất.
Về phương diện lịch sử, Cù lao Kết được biết đến tận từ thời Nguyễn, muộn lắm cũng vào năm Đinh Sửu (1757) khi ông Nguyễn Cư Trinh cho thành lập “tam đạo” gồm Đông Khẩu đạo (đặt tại phía nam sông Sa Đéc), Châu Đốc đạo (tại Châu Đốc) và Tân Châu đạo (tại đầu Cù lao Giêng, ngang Chợ Thủ) để nhằm hỗ trợ cho nhau trong việc ngăn chặn bọn ngoại xâm từ bên kia biên giới tràn xuống. Sau, khi tình thế an ninh đã ổn định, chức năng bố phòng quân sự không còn cần thiết, nên Tân Châu đạo được dời dần lên phía thượng nguồn, rồi cố định luôn tại một nơi mà nay là thị xã Tân Châu.
Như đã nói, do được bao bọc bởi hai nhánh sông Tiền Giang và Hậu Giang nên toàn diện địa Cù lao Kết được phù sa bồi tụ hàng năm, do đó vùng đất nơi đây đều thích hợp các loại cây trồng như lúa/ nếp, rau màu, cây ăn trái (nhãn Long Sơn), cây công nghiệp (mặc nưa nhuộm hàng lãnh), kể cả “cây ăn lá” (dâu tằm ăn, trầu) …, hầu hết đều đạt cả ba mặt năng suất, chất lượng và hiệu quả. Nói chung là nông nghiệp rất phát triển.
Lá Trầu Long Sơn
Và cũng chính vì vậy mà vùng đầu nguồn (sông Tiền) đã hình thành những mõ cát xây dựng với trữ lượng rất lớn, hay nói đúng hơn là “vô tận”, bởi nó được dòng chảy mang đến bổ sung (lắng tụ ở đáy sông) từng ngày với chất lượng tuyệt vời ngoài mong đợi của ngành xây dựng!
Khai thác cát sông
Do Cù lao Kết ba bên bốn bề đều sông sâu nước chảy, bên trong thì ruộng đồng cò bay mỏi cánh nên hơn đâu hết, nguồn lợi thủy sản nơi đây vô cùng phong phú và đa dạng. Sông rạch nào cũng không chỉ đầy ắp cá tôm … mà còn nhung nhúc lươn, cua, rùa, rắn… Nhiều đến mức “không sao ăn hết”, nên người dân nơi đây không thể không sáng tạo những hình thức “để dành” như làm khô, làm mắm, nấu nước mắm (ban đầu chỉ để dùng trong gia đình, dần về sau mới đem tiêu thụ ở các chợ, rồi … xuất khẩu.
Đánh bắt cá Bông Lao trên sông Vàm Nao
Tuyệt đại bộ phận người dân ở Cù lao Kết đều sống về nông nghiệp (thị trấn Phú Mỹ là một trong hai thí điểm trồng lúa thần nông thành công đầu tiên trong cả nước, làm tăng cao năng suất lúa mỗi vụ gấp 4 – 5 lần trên cùng một diện tích; cũng là địa phương trồng nếp, tập trung nhiều nhất ở huyện Phú Tân); nuôi trồng và đánh bắt thủy sản (chài, đáy cá linh trong mùa nước nổi; vớt cá tra con trên sông Tiền; đánh bắt cá bụng, lưới cá bông lau trên sông Vàm Nao; cũng là nơi đầu tiên trong cả nước đóng bè nuôi cá lóc, cá bông làm mắm tiêu thụ nội địa, cá tra, cá ba sa xuất khẩu).
Một bộ phận khác chuyên nghề tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp (xay xát lúa gạo, hình thành nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như nghề dệt thổ cẩm, nhuộm hàng lãnh mỹ a, đồ rèn dân dụng, bó chổi bông cỏ, làm bánh phồng…).
Làng nghề Bó chổi
Vì là cù lao ở đầu nguồn nên đến mùa nước nổi, phần lớn diện tích đất đều bị ngập, nhất là vùng sâu (nội đồng) có nơi ngập đến vài ba mét, ảnh hưởng không nhỏ sinh hoạt đời sống nhân dân. Tuy nhiên, do đã quen và cũng do đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu nên hầu hết người dân đều biết cách khai thác những mặt tích cực trong mùa nước dâng, nhất là về phương diện khai thác thủy sản. Nước giựt, đồng ruộng lại được bồi thêm mấy tấc phù sa, giúp cây lúa, cây màu thêm tươi tốt.
Nhờ chí thú làm ăn và cần cù trong lao động sản xuất nên thu nhập bình quân của người dân Cù lao Kết tương đối ổn định, đời sống vật chất và tinh thần đều thong dong, thư thả…
http://phatgiaobaclieu.com/cu-lao-ket-xua-va-nay-nguyen-huu-hiep/